47 công trình khoa học tiêu biểu đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ đời sống, được chọn trao Giải Vifotec 2023.
Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) và Giải thưởng WIPO 2023 được tổ chức tối 30/5 tại Hà Nội. Các công trình được chọn trao giải dựa trên tính mới, sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi, hiệu quả kinh tế, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.
Trong số 130 công trình tham dự, hội đồng giám khảo lựa chọn 47 công trình tiêu biểu, trao 4 giải nhất (80 triệu đồng), 9 giải nhì (60 triệu), 16 giải ba (40 triệu) và 17 giải khuyến khích (20 triệu đồng). Ngoài phần thưởng tiền mặt, tác giả đoạt giải nhất được tặng bằng khen của Thủ tướng.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (bìa trái) và TSKH Phan Xuân Dũng (bìa phải) trao bằng khen cho các tác giả công trình đoạt giải nhất. Ảnh: La Duy
Giải nhất lĩnh vực cơ khí Tự động hóa thuộc về công trình “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống dẫn đường quán tính cho tàu Hải quân sử dụng công nghệ cảm biến sợi quang” của nhóm tác giả Đại tá, PGS.TS Trịnh Đăng Khánh; Trung tá, GV.TS Nguyễn Đình Tĩnh; Thiếu tá, GV.ThS Phạm Văn Hùng và các cộng sự Khoa vô tuyến điện tử – Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.
Nghiên cứu xây dựng được chương trình tính toán, mô phỏng, lựa chọn các tham số của các cảm biến quán tính nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí khi thiết kế, chế tạo hệ thống dẫn đường quán tính có độ chính xác cao. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới sensor con quay sợi quang FOG và phần mềm xử lý dẫn đường quán tính INS để nghiên cứu, chế tạo hệ thống dẫn đường cho tàu hải quân. Hiện nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo, đồng thời có thể phát triển mở rộng để trang bị cho các phương tiện pháo, xe tăng, xe cơ giới.
Giải nhất lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới thuộc về công trình “Ứng dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn sản xuất gạch ngói cao cấp, siêu mỏng, tiết kiệm năng lượng” của tác giả Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu, ThS Nguyễn Duy Tấn, Nguyễn Văn Thành (Công ty CP kinh doanh – Xuất nhập khẩu gốm Đất Việt).
Lần đầu tiên tại Việt Nam, gốm Đất Việt áp dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn kết hợp với phối liệu siêu mịn vào sản xuất sản phẩm gạch ngói cao cấp siêu mỏng, siêu nhẹ tiết kiệm năng lượng. Công nghệ nghiền khô có sự vượt trội so với công nghệ cũ làm ướt, được ứng dụng hiệu quả trong phát triển sản xuất của Gốm Đất Việt. Việc ứng dụng thành công giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, chi phí than, giảm sức lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty, mang hiệu quả kinh tế đạt 46 tỷ đồng/ năm. Nghiên cứu có thể thành nền tảng áp dụng cho toàn ngành sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam.
Giải nhất lĩnh vực Công nghệ vật liệu thuộc về công trình “Nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nhựa polyester không no công suất 25.000 tấn/năm phục vụ sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh” của tác giả PGS.TS Hồ Xuân Năng; GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu và các cộng sự Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A.
Nhóm nghiên cứu đã tối ưu công thức phối liệu cho quá trình tổng hợp nhựa PEKN để tạo ra một loại nhựa PEKN có khả năng chịu bức xạ UV và bền thời tiết. Công nghệ ứng dụng trong quá trình sản xuất đá nhân tạo và vật liệu polymer composite với khả năng chống chịu bức xạ tử ngoại (UV) vượt trội, thay thế hoàn toàn nguồn nhựa PEKN nhập khẩu. Sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh có các khả năng chịu bức xạ UV vượt trội với chỉ số biến đổi màu so với các mẫu nhựa PEKN thương mại và nhựa không biến tính 3,2 lần. Hiện công nghệ áp dụng tại Nhà máy sản xuất hóa chất Phenikaa đem lại doanh thu 2.000 tỷ đồng (từ năm 2021-2023).
Giải nhất lĩnh vực Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống thuộc về công trình “Giống cà phê vối lai TRS1” của tác giả ThS Đinh Thị Tiếu Oanh; TS Trần Vinh; ThS Nguyễn Thị Thanh Mai cùng cộng sự tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tỉnh Đăk Lăk.
TRS1 là giống cà phê vối lai đầu tiên có năng suất và chất lượng cao, được tạo ra từ các dòng vô tính tốt (gồm TR4, TR9, TR11, TR12). Đây là công nghệ đột phá mới thay thế hoàn toàn các giống được trồng bằng hạt trước đây không qua chọn lọc, đặc biệt có thể thay thế giống ghép do đặc tính nổi trội về năng suất tính trong quần thể con lai. Giống TRS1 có hệ số nhân giống cao, nhân giống bằng hạt đơn giản cùng khả năng thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên vùng canh tác cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. TRS1 đạt trung bình 4,31 tấn nhân/ha (tăng so với giống đại trà trung bình 50,2%), ước tính làm lợi khoảng trên 31.480 tỷ đồng trong vòng 5 năm (từ năm 2018-2023). Hiện giống TRS1 đã được chuyển giao cho nông dân.
Hai công trình đoạt giải nhất lĩnh vực Công nghệ vật liệu và Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới trao giải WIPO 2023.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (giữa) trao giải WIPO 2023 cho nhóm tác giả hai công trình. Ảnh: La Duy
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec cho biết trải qua 28 lần tổ chức giải thưởng, hàng nghìn công trình khoa học đã có đóng góp lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại giá trị thực tiễn thúc đẩy kinh tế xã hội. Ông mong muốn các tác giả đoạt giải sẽ tiếp tục cống hiến, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, say mê sáng tạo với thế hệ trẻ cả nước.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá giải thưởng góp phần thúc đẩy sự phát triển nền khoa học nước nhà, khích lệ nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu, sáng tạo, kịp thời giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Ông cũng ghi nhận và chúc mừng tác giả có công trình đoạt giải thưởng, bày tỏ mong muốn kết quả sáng tạo sẽ được ứng dụng thực tiễn, tạo nhiều sản phẩm có giá trị, phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định giải thưởng ghi nhận nỗ lực của các tác giả nhiều năm qua. Ông đánh giá nhiều công trình đoạt giải được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn trong đời sống xã hội.
Cuối buổi lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát động giải thưởng năm 2024, tập trung 6 lĩnh vực công nghệ trọng điểm gồm cơ khí tự động hóa; vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Giải thưởng Vifotec do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức thường niên từ năm 1995. Đến nay đã có gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải.
Như Quỳnh (VNExpress.net)